Năm 2024 sẽ đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực tiếp thị truyền thống. Các phương thức tiếp cận khách hàng trước đây, dựa vào giai đoạn nhận thức, cân nhắc và quyết định mua hàng theo hướng một chiều, đang dần chấm dứt trước sự đổi mới của chuyển đổi số. Để duy trì sự phát triển, những chuyên gia tiếp thị ngày nay đang phải áp dụng những phương thức tiếp cận linh hoạt và toàn diện hơn. Do đó, năm 2024 không chỉ là một kỷ nguyên mới mà còn là cánh cổng mở ra cho sự đổi đột trong lĩnh vực tiếp thị.
Dựa trên nghiên cứu của mình, Meta vừa công bố những dự đoán hứa hẹn về xu hướng trên mạng xã hội mà doanh nghiệp nên chú ý và tận dụng trong năm 2024.
Đầu tiên, theo Meta, sự phát triển của thế hệ Gen Z (sinh từ 1996 đến 2012) đang ngày càng tăng cường sức ảnh hưởng khi họ bắt đầu có thu nhập, mở tài khoản ngân hàng và tham gia các hoạt động kinh doanh. Với hơn 500 triệu người Gen Z hiện đang sinh sống ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến đến năm 2025, họ sẽ chiếm một phần tư dân số khu vực này.
Báo cáo thường niên SYNC của Meta cũng cho thấy Gen Z sẽ là một đối tượng có ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại Đông Nam Á. Với 82% người tham gia khảo sát tại khu vực này cho biết họ tích cực tham gia vào các cộng đồng trực tuyến, đồng thời sống một lối sống chặt chẽ liên quan đến công nghệ và thiết bị số.
Thứ hai, báo cáo nghiên cứu của Meta tiếp tục đưa ra thông tin hấp dẫn về xu hướng gia đình có ít thành viên hoặc gia đình độc thân, đang trở nên ngày càng phổ biến. Ba quốc gia tại Đông Nam Á đứng trong top 10 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi sang mô hình gia đình nhỏ hoặc độc thân.
Tại Việt Nam, gia đình nhỏ và độc thân đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất, với tỷ lệ tăng trưởng kép 1,1% mỗi năm từ 2023 đến 2030. Điều này đang thúc đẩy nhu cầu cho các sản phẩm tiêu dùng một lần, thiết bị điện gia dụng nhỏ gọn và các sản phẩm thiết yếu. Người tiêu dùng độc thân cũng có xu hướng dành thời gian nhiều hơn cho thiết bị điện tử cá nhân và mạng xã hội, tham gia vào cộng đồng trực tuyến và theo dõi các nhà sáng tạo nội dung.
Thứ ba, năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ Generative AI (AI tạo sinh). Báo cáo mới của Meta đã phát hiện rằng 45% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử sau khi xem thông tin trên Facebook/Instagram, và 20% người tiêu dùng thậm chí mua hàng trực tiếp trên Facebook.
Hơn nữa, sự kết hợp giữa AI và các nền tảng của Meta đã giúp tăng cường hiệu suất quảng cáo thông qua tính năng tự động hóa. Được dự báo, Meta sẽ tiếp tục đầu tư vào nguồn lực và công nghệ AI tiên tiến để hỗ trợ doanh nghiệp tối đa hóa hiệu quả kinh doanh trong năm 2024.
Thứ tư, ngày càng nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển sang sử dụng tin nhắn để thực hiện giao dịch thương mại. Nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) và Meta chỉ ra rằng, ở Việt Nam, mỗi 3 người tiêu dùng thì ít nhất 1 người nhắn tin cho doanh nghiệp ít nhất 1 lần/tuần. Với tỷ lệ sử dụng kinh doanh hội thoại lên đến 73%, Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu trong việc tương tác với doanh nghiệp qua tin nhắn. Chuyên gia dự đoán rằng trong năm 2024, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, và người dùng có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn thông qua tin nhắn như đặt chỗ khi đi du lịch, đặt lịch hẹn, nhận hỗ trợ hay mua sắm.
Thứ năm, các hình thức video ngắn như Reels đang trở nên cực kỳ phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo của Meta và Factworks chỉ ra rằng thế hệ Millennial đặc biệt ưa thích tính năng Reels, trong khi Gen Z thì chủ yếu theo dõi hoạt động của doanh nghiệp trên nền tảng số và mua sắm sau khi xem Reels. Nội dung từ các nhà sáng tạo trên Reels cũng có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, với 67% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên tìm thấy thương hiệu và sản phẩm phù hợp từ những người tạo nội dung trên các nền tảng của Meta, vượt lên trên so với các nền tảng khác.
Nguồn: vneconomy.vn